HUYỆN ĐÔNG SƠN CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH !
date

Chàng trai trẻ đam mê với nghề điêu khắc gỗ

Đăng lúc: 09/07/2019 (GMT+7)
100%
Print

Bằng đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, đặc biệt là sự tâm huyết với nghề của chàng trai trẻ Đỗ Xuân Thắng, khu phố 3, nay là khu phố Cao Sơn Thị trấn Rừng Thông đã tạo ra những sản phẩm gỗ độc đáo, mang giá trị nghệ thuật tạo hình cao với các sản phẩm chủ yếu như tượng Phật, các con giáp, bàn ghế gốc cây, đồ gỗ lũa tự nhiên…

Sinh năm 1987, anh Đỗ Xuân Thắng, gắn với nghề cưa đục từ khi còn rất nhỏ. Bởi theo anh Thắng, do không có chỗ chơi, nên một chiều đi học, một chiều lại xuống xưởng của cha chơi nên nghề ngấm vào máu lúc nào không hay. Được mọi người trong gia đình động viên, nên nửa ngày đi học, nửa ngày cậu học trò Đỗ Xuân Thắng lại theo cha học nghề. Việc chạm khắc trên gỗ đối với một thiếu niên là rất khó khăn. Vì ngoài việc tập cho đường đục mềm mại, nhuần nhuyễn còn cần phải có tư duy sáng tạo và óc thực tế cao. Sau đó, anh lại khăn gói đi học, đi làm ở khắp nơi trong Nam, ngoài Bắc để học nghề cũng như tìm kiếm thị trường.

                   Anh Đỗ Xuân Thắng miệt mài “thổi hồn” cho từng thớ gỗ

Anh Đỗ Xuân Thắng bên những tác phẩm của mình

Sau bao năm lăn lộn, năm 2013 anh trở về quê hương thuê đất tại xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa để mở xưởng lập nghiệp. Buổi đầu lập nghiệp gian nan, sản phẩm làm ra ế ẩm vì thị trường khó tiêu thụ, nhiều lúc muốn bỏ nghề. Nhưng mỗi khi nhìn những bộ gốc rễ đẹp, phảng phất những hình ảnh tượng phật, con người, con vật, phù điêu… máu nghề lại nổi lên và những sản phẩm nghệ thuật, giàu cảm xúc được sản sinh ra từ ấy.

            Xưởng chế tác gỗ của anh Thắng hiện có khá nhiều khối gỗ là những rễ cây lớn được anh mua về để gia công, chế tác. Các tác phẩm bằng gỗ của anh Thắng có giá từ vài triệu đến hơn một trăm triệu đồng, tùy vào từng loại gỗ và sự cầu kỳ, công phu trong từng sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, xưởng điêu khắc gỗ của anh có khoảng 10 đơn hàng. Những dịp gần Tết, số lượng khách đặt tăng lên 20- 40 đơn hàng. Các sản phẩm chế tác cũng đa dạng, tùy theo yêu cầu của khách. Có những sản phẩm giá vài triệu đến vài trăm triệu đồng như: Sập gốc cây giá 150 triệu đồng; tượng Phật Di lạc, Quan thế âm Bồ tát giá 40 - 50 triệu đồng… Một năm xưởng của anh xuất ra thị trường hơn 100 đơn hàng lớn, nhỏ cho khách hàng trong, ngoài tỉnh, mỗi tháng thu về 20- 30  triệu đồng.

Anh Đỗ Xuân Thắng chia sẻ: Không như những nghề khác, nghề điêu khắc gỗ rất vất vả, đòi hỏi phải kiên trì, óc sáng tạo và sự nhạy bén ở người thợ mới có thể chạm đến sự thăng hoa trong từng tác phẩm, đưa khối gỗ vô tri trở nên sống động và có hồn. Đến nay, tôi đã đào tạo, giúp đỡ nhiều thanh niên học nghề điêu khắc gỗ. Tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 thợ lành nghề đang làm tại xưởng với mức lương từ 4- 6 triệu đồng /tháng.

Anh Đỗ Xuân Thắng đang hướng dẫn học trò

Với nghị lực, dám nghĩ, dám làm của chàng trai trẻ Đỗ Xuân Thắng cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tin tưởng rằng trong những năm tiếp theo, xưởng điêu khắc gỗ do anh làm chủ sẽ không ngừng phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương./.

                                                                              Tin, ảnh: Minh Ánh