HUYỆN ĐÔNG SƠN CHUNG TAY CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH !
date

Đông Sơn – Thăng Bình 60 năm tình sâu nghĩa nặng

Đăng lúc: 23/03/2020 (GMT+7)
100%
Print

Năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất, thực hiện chủ trương của TW Đảng về tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam, ngay sau lễ kết nghĩa của tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Quảng Nam, ngày 12/3/1960 huyện Đông Sơn và huyện Thăng Bình đã tổ chức lễ kết nghĩa anh em, mở đầu cho mối quan hệ gắn bó keo sơn, bền chặt.Từ đó tinh thần “Thăng Bình gọi, Đông Sơn sẵn sàng, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã trở thành phương châm hành động của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Vì miền Nam ruột thịt, vì Thăng Bình kết nghĩa, nhân dân Đông Sơn ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai để chi viện cho đồng bào miền Nam và Thăng Bình.

 

Trong công cuộc chiến đấu chống Mỹ, mặc dù cách xa nhau về vị trí địa lý, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Sơn đã kịp thời chi viện sức người, sức của với Thăng Bình. Các phong trào thi đua vì miền Nam, vì Thăng Bình ruột thịt như: “Điện Biên - Thanh Hóa - Quảng Nam quyết thắng”, “Lập công cao nhất vì Quảng Nam”, “Học tập tư tưởng cách mạng tiến công của quân và dân Quảng Nam”. Hội Liên hiệp phụ nữ phát động phong trào “Trồng cây vì Thăng Bình, Quảng Nam”, Đoàn thanh niên phát động phong trào “Làm theo gương anh Nguyễn Văn Trỗi”, công đoàn trong các nhà máy, xí nghiệp “Xây dựng các tổ lao động Trần Cao Vân”... Không chỉ vậy, trên quê hương Đông Sơn, các phong trào “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, “Đường cày đảm đang” đã được quân và dân Đông Sơn hưởng ứng với tinh thần của hậu phương lớn.  Chỉ tính trong 10 năm (1965 - 1975) huyện Đông Sơn đã tuyển hơn 5.000 thanh niên lên đường vào tiền tuyến lớn và đã có hàng nghìn người con của Đông Sơn được phân công về với chiến trường Thăng Bình chiến đấu, góp phần cùng quân và dân Thăng Bình lập nên nhiều chiến công hiển hách. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Nhà nước phong tặng cho Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình ngời sáng lên chủ ngĩa anh hùng cách mạng, trong đó có một phần xương máu của những người con quê hương Đông Sơn - Thanh Hóa.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Đông Sơn tiếp tục sát cánh cùng Thăng Bình tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh để xây dựng cuộc sống mới. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đã cử hàng chục cán bộ có chuyên môn kỹ thuật vào giúp huyện Thăng Bình xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1978, đồng chí Thiều Sĩ Quý cùng một số cán bộ là người con của Đông Sơn được cử vào Thăng Bình tham gia hỗ trợ xây dựng hợp tác xã. Sau khi Hợp tác xã nông nghiệp Bình Lãnh - hợp tác xã đầu tiên của huyện Thăng Bình ra đời, chỉ trong 2 năm 1978 - 1979, huyện đã hoàn thành công tác cải tạo và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Trên lĩnh vực công nghiệp, với sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, Xí nghiệp gốm Quảng - Thanh ra đời đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại Thăng Bình.

Bên cạnh công cuộc phát triển kinh tế, huyện Đông Sơn còn tăng cường các thầy, cô giáo vào huyện Thăng Bình để làm nòng cốt trong việc tổ chức, quản lý và giảng dạy tại các trường THCS và THPT. Trong đó, thầy giáo Trịnh Mai Sơn, xã Đông Minh, nguyên Hiệu trưởng các trường Phổ thông cơ sở Bình Triều, Bình Đào, Bình Dương, nguyên cán bộ Phòng Giáo dục huyện Thăng Bình (giai đoạn 1976 - 1981) hay cô giáo trẻ Tạ Thị Như Ý đã xung phong vào Thăng Bình tham gia giảng dạy tại trường Bổ túc Văn hóa tập trung huyện Thăng Bình.

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển, quan hệ kết nghĩa hai huyện Đông Sơn - Thăng Bình càng thêm bền chặt. Cả hai địa phương đồng hành phấn đấu vượt khó, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ sự chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mối quan hệ anh em keo sơn là nền tảng quan trọng để hai huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phối hợp, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong quá trình xây dựng, phát triển theo xu thế hội nhập. Nỗ lực đưa Đông Sơn- Thăng Bình lên tầm cao mới là khát vọng của mỗi người dân Thăng Bình- Đông Sơn hôm nay.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình chia sẻ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình luôn tự hào về truyền thống kết nghĩa giữa hai huyện Đông Sơn - Thăng Bình trong 60 năm qua, cùng với đó là sự phấn khởi với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mà hai địa phương đã đạt được. Gần đây, hai huyện thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực, mở ra sự hợp tác, giao lưu về văn hóa và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đây chính là nền tảng vun đắp tình đoàn kết keo sơn giữa hai huyện, đặc biệt là giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ,  góp phần xây dựng hai quê hương ngày càng phát triển và gắn bó bền vững.

Ông Nguyễn Quang Hải - Bí thư Huyện ủy Đông Sơn cho biết, phát huy truyền thống bền chặt, thời gian tới hai địa phương sẽ tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý nhà nước dựa trên sự tương đồng giữa hai địa phương nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp; phát huy lợi thế, hợp tác phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tăng cường mối quan hệ giao lưu nhân dân, sẵn sàng giúp nhau lúc thiên tai, hoạn nạn, góp phần tô thắm nghĩa tình bền chặt giữa hai quê hương Đông Sơn - Thăng Bình.

60 năm so với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của cả dân tộc không phải là dài, song ngần ấy thời gian cũng đủ cho 2 huyện Đông Sơn và Thăng Bình có quyền tự hào về những năm tháng hào hùng, keo sơn gắn bó như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong để rồi ngày nay trong công cuộc đổi mới và hội nhập hai huyện Đông Sơn - Thăng Bình viết tiếp trang sử vàng vô giá, kết nối quá khứ, hiện tại cùng sát cánh bước tới tương lai./.

Cao Hiền